Đồng Nai được biết đến là một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm phía nam. Theo báo cáo tình hình kinh tế – xã hội 6 tháng đầu năm 2022 của Cục Thống kê, tổng sản phẩm quốc nội (GRDP) của Đồng Nai đạt 112,8 ngàn tỷ đồng, tăng 7,06% so cùng kỳ năm 2021 và trở thành địa phương đứng đầu vùng Đông Nam Bộ về tăng trưởng kinh tế. Đây là một kết quả rất đáng mừng vì nó không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực phía nam mà còn góp phần thúc đẩy kinh tế cả nước.
Top 10 tỉnh, thành có quy mô GRDP cao nhất cả nước trong 6 tháng đầu năm 2022. Nguồn: Cục Thống kê các địa phương.
Các tuyến đường kết nối TPHCM – Đồng Nai hiện tại
Tuy nhiên TP.HCM và Đồng Nai bị chia cắt bởi các sông Đồng Nai, Lòng Tàu, Đồng Tranh và Thị Vải. Hiện nay, hướng kết nối giao thông đường bộ giữa TP.HCM và Đồng Nai hiện gián tiếp thông qua 3 tuyến nối Bình Dương là Quốc lộ 1 qua cầu Đồng Nai; Quốc lộ 1K qua Bình Dương kết nối với TP.HCM qua cầu Hóa An và đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Thực tế, các tuyến này đều đang quá tải. Điều này làm ảnh hưởng rất nhiều đến việc lưu thông phương tiện nên nhu cầu kết nối về giao thông để phục vụ phát triển kinh tế – xã hội giữa 2 địa phương là rất lớn.
Các Dự án kết nối TPHCM – Đồng Nai
Theo quy hoạch, giữa Đồng Nai và TP.HCM có thêm 3 cầu đường bộ đã và sẽ được đầu tư xây dựng kết nối liên địa phương, gồm: Cầu Phước Khánh thuộc dự án đường cao tốc Bến Lức – Long Thành, cầu Nhơn Trạch thuộc dự án đường vành đai 3 TP.HCM và cầu Cát Lái.
Các dự án kết nối TP.HCM – Đồng Nai
Sáng 24-9, tại huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) phối hợp UBND tỉnh Đồng Nai và TP HCM tổ chức lễ khởi công Dự án thành phần 1A của Dự án đầu tư xây dựng đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch giai đoạn 1 thuộc Đường Vành đai 3 TP HCM.
Về lâu dài, dự án này cũng là tuyến đường kết nối với sân bay Long Thành, giúp giảm tải đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây; tăng cường tính kết nối các đô thị vệ tinh, mở rộng không gian phát triển quỹ đất, dịch vụ, thương mại, công nghiệp, logistics… cho các tỉnh, thành trong khu vực.
Hướng tuyến vành đai 3 và cầu Nhơn Trạch. Đồ họa: Minh Trí.
Ngoài ra, hồi tháng 8, UBND tỉnh Đồng Nai cũng đề nghị TP.HCM nghiên cứu xây thêm cầu nhằm tăng nối kết giao thông, kinh tế giữa hai địa phương. Nơi xây cầu được đề xuất trong phạm vi đoạn sông dài 15 km, từ cầu Đồng Nai trên quốc lộ 1 đến cầu Long Thành thuộc cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây. Đầu cầu phía Đồng Nai nối vào đường ĐT.777B (xã Tam An, huyện Long Thành).
So với các tỉnh thành khác của phía Nam thì Đồng Nai đang được ưu tiên, mọi nguồn vốn từ trung ương, địa phương đều được đổ dồn về đây, dẫn đến một sự thay đổi ngoạn mục về hạ tầng kết nối. Phát triển trục giao thông này còn tạo điều kiện để phát triển quỹ đất 2 bên đường tại khu vực dự án đi qua.
Nguồn: zingnews.vn