Khu công nghiệp là những khu vực chuyên dùng cho sản xuất công nghiệp. Vì vậy, chúng có vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa. Ngoài lợi ích trực tiếp từ các sản phẩm công nghiệp, các nhà máy ở những KCN còn giải quyết vấn đề việc làm cho hàng triệu lao động ở các khu vực lân cận.
Đồng Nai là một trong 3 địa phương thuộc tam giác phát triển TP HCM – Bình Dương – Đồng Nai. Đây là khu vực công nghiệp phát triển mạnh nhất cả nước và đóng vai trò rất quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế Việt Nam.
Theo Báo cáo tình hình thành lập và phát triển Khu công nghiệp (KCN), Khu kinh tế (KKT) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có 291 KCN đã đi vào hoạt động.Trong đó, 5 tỉnh, thành có nhiều KCN đang hoạt động nhất gồm có: Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM, Long An và Bắc Ninh. Đồng Nai hiện là tỉnh có số KCN đang hoạt động nhiều nhất cả nước, với 31 KCN.
Tính đến năm 2021, tỉnh Đồng Nai có 40 khu công nghiệp. Trong đó, 31 KCN đang hoạt động, 1 KCN đang đầu tư xây dựng hạ tầng, còn lại 8 KCN chưa được thành lập.
Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Tỉnh Đồng Nai, Đồng Nai liền kề TP.HCM, nằm giữa 4 vùng kinh tế trọng điểm và mạng lưới hệ thống cơ sở hạ tầng hoàn thiện với các KCN được quy hoạch với diện tích trên 12.055 ha. Vậy nên, Đồng Nai là nơi nối liền Nam Trung Bộ, Nam Tây Nguyên, toàn bộ đồng bằng Sông Cửu Long và là cửa ngõ trọng yếu phía đông của TP.HCM.
Hiện nay, Tỉnh Đồng Nai sở hữu hệ thống hạ tầng cơ sở toàn diện, từ mạng lưới giao thông Quốc gia đến hệ thống đường kết nối liên Tỉnh, liên Huyện. Các công trình hạ tầng hiện hữu, những hệ thống giao thông liên kết kinh tế chính của địa phương gồm có: Quốc lộ 1A, Quốc lộ 20, Quốc lộ 51, tuyến đường sắt Bắc Nam, cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, gần Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất, cụm cảng Cái Mép – Thị Vải, cụm cảng Sài Gòn – Cát Lái. Hơn nữa, Đồng Nai là trung tâm giao thông vùng nên giảm được nhiều chi phí vận chuyển hàng hóa ra cảng, các tỉnh, thành khác.
Theo UBND tỉnh Đồng Nai, lợi thế trong thu hút dòng vốn FDI có được nhờ vào việc tỉnh đã đi đầu trong phát triển công nghiệp từ nhiều năm về trước với những khu công nghiệp trọng điểm như Amata, KCN Biên Hòa, KCN Nhơn Trạch. Trên thực tế, các nhà đầu tư rót vốn vào tỉnh Đồng Nai dễ dàng nhận được nhiều thuận lợi trong việc liên kết cung cấp sản phẩm đầu vào và xuất khẩu nhờ lợi thế về logistics và liên kết của các KCN.
Nguồn: Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Từ năm 2015 đến nay, Đồng Nai luôn nằm trong top 5 tỉnh, thành thu hút vốn FDI nhiều nhất cả nước. Tính đến tháng 9/2022, đã có hơn 40 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Đồng Nai, với lũy kế tổng vốn đầu tư FDI đạt 34,73 tỷ USD.
Nguồn vốn lớn tập trung chủ yếu ở doanh nghiệp Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Singapore, Trung Quốc và Thái Lan. Nhiều tập đoàn đa quốc gia lớn trên thế giới đều đến Đồng Nai đặt nhà máy sản xuất như Hyosung, Bosch, Amata, Fujitsu, Chang Shin, CP, Kenda, Maggitt…
Những lợi thế trên đã giúp Đồng Nai trở thành trung tâm Logistics, công nghiệp và dịch vụ hàng đầu Việt Nam nói riêng và Đông Nam Á nói chung.
Nguồn: Nhịp sống kinh tế