Sáng 18/6 tại thành phố Thủ Đức, Thủ Tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính trực tiếp tham dự lễ khởi công dự án đường Vành Đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Đây là dự án giao thông có quy mô tư lớn nhất từ trước đến nay ở phía Nam, cũng là dự án được áp dụng nhiều cơ chế đặc thù, trong đó bồi thường, hỗ trợ tái định cư triển khai linh hoạt, tiệm cận giá thị trường, nên thời gian triển khai rút ngắn đến 1 năm so với quy định thông thường.

Tính đến đầu tháng 6/2023, đã có 2 địa phương ban hành quyết định về giá đền bù đường Vành đai 3 là TP.HCM và Bình Dương.

Cụ thể: 

– Tại TP. Thủ Đức cao nhất là đường Nguyễn Duy Trinh (vị trí 1 là 73,3 triệu đồng/m2, vị trí 2 là 51,1 triệu đồng/m2). Tại đường Nguyễn Xiển là gần 70 triệu đồng/m2 cho vị trí 1 và 52,5 triệu đồng cho vị trí 2.

– Tại Bình Chánh, mức đền bù cao nhất là tại vị trí 1 đường Trần Văn Giàu là 42,69 triệu đồng/m2, vị trí 2 (khu vực bên trong vị trí 1) là 34,1 triệu đồng/m2.

– Tại Hóc Môn, mức giá bồi thường đường Vành Đai 3 cao nhất là vị trí 1 đường Nguyễn Văn Bứa, đạt 35,6 triệu đồng/m2; vị trí 1 Quốc lộ 22 là 33,1 triệu đồng/m2. Giá bồi thường đất tái định cư cao nhất là gần 26 triệu đồng/m2.

– Tại Củ Chi, các lô đất thuộc vị trí 1 các đường Tỉnh lộ 15, đường Võ Văn Bích, đường Hà Duy Phiên có giá đền bù cao nhất là trên 19 triệu đồng/m2. Đất tái định cư tại Củ Chi giá từ hơn 13-18 triệu đồng/m2.

Đối với đường Vành đai 3 đoạn qua Bình Dương, UBND tỉnh Bình Dương công bố giá đền bù như sau:

– Tại Thủ Dầu Một thấp nhất là 4 triệu đồng/m2, cao nhất là 42,2 triệu đồng/m2.

– Tại Dĩ An thấp nhất là 3,4 triệu đồng/m2, cao nhất là 41,9 triệu đồng/m2.

– Tại Thuận An thấp nhất là 4 triệu đồng/m2 và cao nhất là 41,7 triệu đồng /m2

Kết nối vùng của đường Vành Đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh

Bản đồ đường Vành Đai 3 thành phố HCM cho thấy những địa phương mà tuyến đường này đi qua đều nắm giữ vai trò, đóng góp nhiều lợi ích cho khu vực phía Nam và cả nước. Ngoài TP HCM là “đầu tàu kinh tế” thì đường Vành Đai 3 còn kết nối vùng với:

Tỉnh Bình Dương – “thủ phủ công nghiệp”.

Tỉnh Long An – “cửa ngõ Đồng bằng sông Cửu Long” có nhiều KCN lớn.

Tỉnh Đồng Nai – “cửa ngõ vùng kinh tế Nam Bộ”.

Đường Vành Đai 3 TP.HCM sẽ tạo thành vòng cung bao quanh thành phố với các nút giao quan trọng, gồm:

-Nút giao với Quốc lộ 1A tại địa phận Tân Vạn của thành phố Dĩ An, Bình Dương.

-Nút giao với Quốc lộ 13 cũng tại Bình Dương, ở địa phận thành phố Thủ Dầu Một.

-Nút giao tại Củ Chi với cao tốc TP.HCM, Mộc Bài.

-Tiếp tục giao với Quốc lộ 1A ở huyện Bến Lức, Long An.

-Nút giao với cao tốc Bến Lức – Long Thành tại địa phận Bến Lức và Nhơn Trạch.

-Nút giao với cao tốc Long Thành – Dầu Giây tại địa phận Quận 9 TP.HCM.

Vai Trò Của Đường Vành Đai 3 Thành Phố Hồ Chí Minh

– Giúp giảm áp lực về giao thông cho các tuyến đường nội đô thường xuyên gặp phải tình trạng ùn ứ, kẹt xe.

– Thúc đẩy sự hình thành của các khu đô thị mới, thành phố vệ tinh, từ đó giãn dân cư từ đô thị trung tâm TP.HCM ra bên ngoài. Đồng thời tạo sự kết nối với những đô thị vệ tinh đang phát triển như: Bến Lức, Đức Hòa, Nhơn Trạch,…

– Hình thành mạng lưới giao thông huyết mạch tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đây sẽ là điều kiện quan trọng đối với giao thương, liên kết vùng, thu hút các nhà đầu tư, từ đó tạo ra nhiều cơ hội tăng trưởng, phát triển kinh tế toàn diện.

– Thời gian đi lại giữa TP.HCM với các địa phương như: Long An, Đồng Nai, Bình Dương được ngắn lại đáng kể. Giao thương từ vùng Tây Nam Bộ ra các tỉnh phía Bắc cũng thuận lợi, nhanh chóng hơn. Thời gian đi Vũng Tàu, Mộc Bài (Tây Ninh), Bình Phước về Đồng bằng sông Cửu Long cũng rút ngắn.

– Các vùng, khu công nghiệp trọng điểm phía Nam được kết nối, mở ra các cơ hội phát triển mới cũng như khả năng hợp tác trong đầu tư. Đồng thời, hệ thống công nghiệp trong vùng theo đó cũng được điều chỉnh, sắp xếp lại.

Trong vai trò điều phối dự án Vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM cam kết công trình sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối 2025; đến năm 2026 hoàn thành toàn bộ dự án.

 

Nguồn: ST